Theo số liệu từ FiinGroup, mặc dù bị trì hoãn lại khi Nghị định 153 và 155 có hiệu lực nhưng quy mô giá trị phát hành trái phiếu sơ cấp trong 9 tháng 2021 của các ngân hàng thương mại vẫn đạt 116 nghìn tỷ đồng (chiếm 33% tổng giá trị phát hành), tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Như vậy, xét về cơ cấu, nhóm ngân hàng đang đứng ở vị trí thứ 2, chỉ sau nhóm bất động sản. Mục đích chính nhằm thực hiện tăng vốn cấp 2 và cải thiện tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trước nhu cầu vốn trung và dài hạn rất lớn từ doanh nghiệp.
Về thành phần tham gia thị trường, sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân trực tiếp vào các đợt phát hành sơ cấp đã giảm rất mạnh từ xuống 5,3% tổng giá trị phát hành trong 9 tháng năm 2021, từ mức 13% giai đoạn cùng kỳ năm trước. Thay vào đó, các ngân hàng vẫn duy trì là nhóm nhà đầu tư mua chính với 56% tổng giá trị phát hành và công ty chứng khoán chiếm 36,3%.
Đáng chú ý, tại 29 ngân hàng thương mại, số dư trái phiếu doanh nghiệp thời điểm 30/6/2021 ở mức 403.700 tỷ đồng, tương đương giá trị trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng mà các ngân hàng này cũng đang nắm giữ tại thời điểm đó.
Cơ cấu nhà đầu tư tham gia thị trường thứ cấp trái phiếu doanh nghiệpMặt khác, theo FiinGroup thống kê, số lượng ngân hàng tham gia trực tiếp mua trái phiếu ngân hàng trên thị trường sơ cấp chiếm khoảng 23,2% lượng trái phiếu ngân hàng phát hành.
Vì vậy, FiinGroup nhận định: “Gần như toàn bộ trái phiếu doanh nghiệp phát hành bởi các ngân hàng đều đang được sở hữu bởi các ngân hàng và một số định chế tài chính khác”. Hiểu đơn giản, các ngân hàng đang mua chéo trái phiếu của nhau.
Được biết, trước đây theo quy định tại Thông tư 34/2013/TT-NHNN, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu phát hành trên sơ cấp của tổ chức tín dụng khác nên các công ty chứng khoán thường đứng ra làm trung gian, mua trái phiếu ngân hàng trên thị trường sơ cấp, sau đó bán lại cho các tổ chức tín dụng khác.
Tuy nhiên, hiện tại, quy định này đã được gỡ bỏ nên các ngân hàng thương mại đã có thể trực tiếp mua trái phiếu của nhau trên thị trường sơ cấp từ ngày 17/5/2021.
Bên cạnh đó, thêm một diễn biến khác lạ, đi cùng hoạt động phát hành, ngân hàng cũng tăng cường mua lại trái phiếu trước hạn.
Điển hình như Vietcombank mới đây đã mua lại trước hạn gần 4.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành năm 2016. Đây là các loại trái phiếu kỳ hạn 10 năm được phát hành nhằm mục đích mở rộng nguồn vốn cho vay trung dài hạn và đa dạng hóa kênh huy động vốn của ngân hàng. Thời gian thực hiện quyền mua lại trái phiếu là trong tháng 10, 11 và 12/2021.
Hay tại VietinBank, hồi cuối tháng 9 vừa qua, ngân hàng này cho biết đã thực hiện mua lại 2.000 tỷ trái phiếu kỳ hạn 7 năm vừa mới phát hành năm 2019. Trước đó, ngân hàng này cũng đã mua lại trước hạn 400 tỷ đồng trái phiếu tương tự vào cuối tháng 8.
Tương tự, một loạt ngân hàng cũng dự kiến mua lại trước hạn trái phiếu gồm BIDV, HDBank, ACB, SeABank…
Giới chuyên môn cho rằng, diễn biến đảo vòng trái phiếu của ngân hàng liên quan đến mức lãi suất trên thị trường. Cụ thể, lãi suất của lô trái phiếu phát hành mới thường thấp hơn.
Vì vậy, hoạt động tái cơ cấu nợ này chủ yếu giúp ngân hàng tối ưu hóa chi phí vốn đầu vào cũng như hạn chế rủi ro lãi suất trong tương lai.