INTERNATIONAL INVESTMENT
AND PORTAL

Tọa đàm trực tuyến " Giải pháp cấp bách về vốn để giữ cánh cho hàng không Việt"
Trực tuyến

Bắt đầu:09h00-11h00 ngày 02/08/2021
Kết thúc:

Miễn phí

Đăng ký

Ngày 2/8/2021, tọa đàm với chủ đề “Giải pháp cấp bách về vốn để giữ cánh cho hàng không Việt” sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên nền tảng điện tử VnEconomy và Fanpage VnEconomy...

Đại dịch Covid-19 đã làm tê liệt ngành hàng không trên toàn thế giới. Dịch bệnh kéo dài gần 2 năm và tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Mặc dù đã có vaccine phòng dịch, song liên tiếp xuất hiện các biến thể mới, đe dọa đến các nỗ lực kiểm soát đại dịch của hầu hết các quốc gia.  

Tại Việt Nam, dù đã nỗ lực không ngừng bằng nhiều cách thức khác nhau, cố gắng tối ưu hóa mọi hoạt động khai thác và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng đến nay, các hãng bay đều đã cạn kiệt dòng tiền, đối mặt với tình trạng mất khả năng thanh toán và nguy cơ phá sản cận kề nếu không có những giải pháp hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ Chính phủ. 

Riêng tháng 5 và tháng 6, doanh thu ngành hàng không Việt Nam giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2020 và gần 100% so với năm 2019, trong khi, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày. Tính tới tháng 6/2021, nợ ngắn hạn của 3 hãng hàng không (Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo airways) ước tính lên tới 36.000 tỷ đồng, trong đó khoản nợ của Vietnam Airlines là 20.000 tỷ đồng.


Thấu hiểu những khó khăn của ngành hàng không trong nước trước những tác động nghiêm trọng của đại dịch covid-19, hàng loạt những chính sách về miễn giảm thuế, phí đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành triển khai nhằm hỗ trợ các hãng bay có thêm nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, cũng chỉ có Vietnam Airlines-- hãng hàng không quốc gia Việt Nam, nhận được gói cứu trợ trị giá 4.000 tỷ đồng- một phần trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020 theo hình thức tái cấp vốn. Việc hỗ trợ kịp thời này đã giúp cho Vietnam Airlines có điều kiện thực hiện thanh toán các khoản nợ quá hạn và chi trả các dịch vụ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với các hãng hàng không tư nhân, việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại và các giải pháp tài chính khác vào lúc này đều khó khả thi nếu không có một cơ chế đặc biệt. Trong khi đó, khó khăn vẫn đang bào mòn sự chịu đựng và khiến các hãng bay tư nhân tiệm cận gần đến tình trạng mất khả năng thanh toán và phá sản.


Dự báo ngành hàng không còn tiếp tục gặp khó khăn kéo dài và giải bài toán vốn giúp cho ngành hàng không cầm cự và thoát hiểm vào lúc này như thế nào? Tại sao nên thực hiện hỗ trợ đặc biệt hay còn gọi là “giải cứu” các hãng hàng không, bao gồm cả hàng không tư nhân? Kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới ra sao?

Đánh giá tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ của nhà nước đã và đang triển khai với ngành hàng không? Chính sách cần thiết nhất hiện nay là gì? Tại sao? Đánh giá khả năng/cơ sở phục hồi và tăng trưởng của ngành hàng không trong thời gian tới? Đâu là những căn cứ đảm bảo tính thành công của các chính sách hỗ trợ?...

Tất cả những câu hỏi đó sẽ được thảo luận và giải đáp tại tọa đàm trực tuyến "Giải pháp cấp bách về vốn: Giữ cánh cho hàng không Việt", do Tạp chí Kinh tế Việt Nam- VnEconomy tổ chức. sẽ diễn ra vào lúc 9.00 ngày 2/8 trên VnEconomy và Fanpage VnEconomy, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về tài chính và ngân hàng, hàng không. 


Tọa đàm “Giải pháp cấp bách về vốn để giữ cánh bay hàng không Việt” sẽ tập trung bàn thảo hai phần nội dùng chính:

Phần 1: Đánh giá thực trạng khó khăn và tính cấp thiết cần hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam:
Phần 2: Hiến kế các giải pháp cụ thể để giải bài toán về VỐN cho các hãng bay.
Tham dự buổi Tọa đàm sẽ có:
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam;
TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam;
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV;
PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
TS. Nguyễn Sỹ Hưng, chuyên gia hàng không; Ths. Nguyễn Đắc Dũng, chuyên gia tài chính.
TS. Cấn Văn Lực và Nhà báo Nguyễn Hoài - Trưởng ban Tài chính - Ngân hàng VnEconomy sẽ điều hành tọa đàm.
Nội dung tọa đàm sẽ được phát trực tuyến vào lúc 9.00 ngày 2/8 trên VnEconomy và Fanpage VnEconomy.

Cùng với đó, toàn bộ nội dung tọa đàm cũng được thể hiện trên chuyên mục Tiêu điểm của số 56 (6164) Tạp chí Kinh tế Việt Nam phát hành ngày 2/8/2021 và cập nhật trên VnEconomy.

Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!

Sự kiện nổi bật