INTERNATIONAL INVESTMENT
AND PORTAL

Tỉnh Quang Tri mời gọi đầu tư

Phía bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Tây giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, phía đông giáp Biển Đông, phía nam giáp tỉnh Thừa Thiên - Huế.

STT Tên dự án
Chưa có dữ liệu.

1. Giới thiệu chung về tỉnh/thành phố

Quảng Trị với nhiều tiềm năng và lợi thế nổi bật hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng mới của khu vực miền Trung với thế mạnh về năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) và nhiệt điện; trữ lượng cát thạch anh rất dồi dào, chất lượng tốt. Bên cạnh đó, Quảng Trị tập trung phát triển công nghiệp chế biến dựa trên lợi thế về diện tích, sản lượng gỗ rừng trồng đứng đầu của Việt Nam; phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh; trong đó, có 02 Khu Kinh tế, 03 Khu Công nghiệp và 14 Cụm Công nghiệp. Đặc biệt, Khu Kinh tế Đông Nam với diện tích 23.792 ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cùng với Đề án thành lập Khu Kinh tế Cửa Khẩu La Lay, đã tạo cho Quảng Trị những tiềm năng lợi thế nỗi trội để thu hút đầu tư. Tỉnh Quảng Trị hy vọng “Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị - sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế trên Hành lang kinh tế Đông Tây”.

Hội tụ các lợi thế sẵn có về vị trí địa kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, thuỷ sản khá phong phú và đa dạng; Các di tích lịch sử, văn hoá lâu đời, nổi tiếng trong và ngoài nước; Kết hợp với các “thế mạnh mới” đang được đầu tư, hình thành về cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nhân lực, chất lượng cải cách thủ tục hành chính, Quảng Trị sẽ đang tạo cho mình những lợi thế cạnh tranh rõ nét, nổi bật để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tỉnh Quảng Trị cam kết sẽ tiếp tục tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục đầu tư cũng như áp dụng các ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất, kịp thời nắm bắt, xử lý những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác an ninh, trật tự, đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu và thực hiện các dự án đầu tư tại tỉnh, đảm bảo phương châm kịp thời, nhất quán của hệ thống chính trị, phong cách làm việc rõ ràng, thuận lợi cho các nhà đầu tư.

2. Thông tin chung về tỉnh/thành phố

- Vị trí địa lý:

Tỉnh Quảng Trị thuộc vùng Bắc Trung Bộ với 01 thành phố, 01 thị xã và 08 huyện; phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Tây giáp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và phía Đông giáp biển Đông, với diện tích tự nhiên 4.737 km2 (chiếm 1,43% diện tích cả nước) và dân số 630.845 người (chiếm 0,67% dân số cả nước). Quảng Trị là đầu mối giao thông quan trọng, nằm ngay giao điểm của các tuyến giao thông huyết mạch quốc gia: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh (gồm 02 nhánh Đông và Tây), Quốc lộ 9 gắn với đường xuyên Á, Quốc lộ 15D, cùng với tuyến đường sắt Bắc - Nam, kết nối với cảng Cửa Việt (khả năng đón tàu trọng tải đến 5.000 DWT), cảng biển nước sâu Mỹ Thủy (đang được đầu tư để đón tàu tải trọng 100.000 DWT); cách không xa trung tâm thành phố Đông Hà về phía Bắc là sân bay Đồng Hới-Quảng Bình (khoảng 90km); về phía Nam là sân bay Phú Bài - thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế (khoảng 80 km) và sân bay quốc tế Đà Nẵng (khoảng 150 km).

Là điểm đầu trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) nối Lào - Thái Lan - Myanmar qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo với tổng chiều dài 1.450km, chạy qua 13 tỉnh của 04 quốc gia, Quảng Trị có nhiều lợi thế phát triển trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Với sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước tiểu vùng sông Mê Kông, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế như JICA, ADB, WB... vai trò của tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây ngày càng được khẳng định, trở thành một động lực phát triển của các tỉnh miền Trung. Với lợi thế đó, Quảng Trị có điều kiện phát triển kết cấu hạ tầng, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, du lịch và đầu tư.

- Diện tích:4.737 km2 (chiếm 1,43% diện tích cả nước)

- Địa hình:

Do cấu tạo của dãy Trường Sơn, địa hình Quảng Trị thấp dần từ Tây sang Đông, Đông Nam và chia thành 4 dạng địa hình: vùng núi cao phân bố ở phía Tây từ đỉnh dãy Trường Sơn đến miền đồi bát úp; vùng trung du và đồng bằng nhỏ hẹp chạy dọc tỉnh; kế đến là vùng cát nội đồng và ven biển. Do địa hình phía Tây núi cao, chiều ngang nhỏ hẹp nên hệ thống sông suối đều ngắn và dốc.

+ Địa hình núi cao: Phân bố ở phía Tây từ dãy Trường Sơn đến miền đồi bát úp, chiếm diện tích lớn nhất, có độ cao từ 250-2000 m, độ dốc 20-300. Địa hình phân cắt mạnh, độ dốc lớn, quá trình xâm thực và rửa trôi mạnh. Các khối núi điển hình là Động Voi Mẹp, Động Sa Mui, Động Châu, Động Vàng. Địa hình vùng núi có thể phát triển trồng rừng, trồng cây lâu năm và chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên phần lớn địa hình bị chia cắt mạnh, sông suối, đèo dốc nên đi lại khó khăn, làm hạn chế trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, mạng lưới điện... cũng như tổ chức đời sống xã hội và sản xuất. Tuy nhiên có tiềm năng thủy điện nhỏ khá phong phú.

+ Địa hình gò đồi, núi thấp: Là phần chuyển tiếp từ địa hình núi cao đến địa hình đồng bằng, chạy dài dọc theo tỉnh. Có độ cao từ 50-250m, một vài nơi có độ cao trên 500 m. Địa hình gò đồi, núi thấp (vùng gò đồi trung du) tạo nên các dải thoải, lượn sóng, độ phân cắt từ sâu đến trung bình. Khối bazan Gio Linh - Cam Lộ có độ cao xấp xỉ 100 - 250 m dạng bán bình nguyên, lượn sóng thoải, vỏ phong hóa dày, khối bazan Vĩnh Linh nằm sát ven biển, có độ cao tuyệt đối từ 50-100m. Địa hình gò đồi, núi thấp thích hợp cho trồng cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu, cây ăn quả lâu năm.

+ Địa hình đồng bằng: Là những vùng đất được bồi đắp phù sa từ hệ thống các sông, địa hình tương đối bằng phẳng, có độ cao tuyệt đối từ 25-30 m. Bao gồm đồng bằng Triệu Phong được bồi tụ từ phù sa sông Thạch Hãn khá màu mỡ; đồng bằng Hải Lăng, đồng bằng sông Bến Hải tương đối phì nhiêu. Đây là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, nhất là sản xuất lúa ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh.

+ Địa hình ven biển: Chủ yếu là các cồn cát, đụn cát phân bố dọc ven biển. Địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc phân bố dân cư. Một số khu vực có địa hình phân hóa thành các bồn trũng cục bộ dễ bị ngập úng khi có mưa lớn hoặc một số khu vực chỉ là các cồn cát khô hạn, sản xuất chưa thuận lợi, làm cho đời sống dân cư thiếu ổn định.

Nhìn chung với địa hình đa dạng, phân hoá thành các tiểu khu vực, nhiều vùng sinh thái khác nhau tạo cho Quảng Trị có thể phát triển toàn diện các ngành kinh tế, đặc biệt là tạo nên các vùng tiểu khí hậu rất thuận lợi cho đa dạng hóa các loại cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

- Đơn vị hành chính: 01 thị xã, 08 huyện

- Dân số:630.845 người (chiếm 0,67% dân số cả nước)

- Tài nguyên thiên nhiên:

Đất đai, rừng và sản phẩm lâm nghiệp: Quảng Trị có tổng diện tích đất tự nhiên là 473.744ha; trong đó: Đất nông nghiệp: 388.042 ha; đất phi nông nghiệp: 40.886 ha và đất chưa sử dụng: 44.816ha; Đất rừng sản xuất: 119.541 ha; Sản lượng gỗ khai thác năm 2018 là 850.000 m3.

Thủy sản: Với bờ biển dài 75 km, 02 cửa biển (Cửa Việt, Cửa Tùng), ngư trường rộng 8.400 km2 với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, mực nang, cá cam, cá bống, hải sâm... với trữ lượng hải sản: khoảng 60.000 tấn; trên 3.412,37 ha mặt nước có thể nuôi trồng thủy sản. Thuỷ sản được chú trọng phát triển cả về nuôi trồng, đánh bắt, dịch vụ và hậu cần nghề cá, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. Tổng sản lượng thủy sản năm 2018 là 32.210 tấn, trong đó, sản lượng thủy sản khai thác đạt 24.191 tấn.

Khoáng sản, khí đốt:

+ Đá vôi ở Tân Lâm, Tà Rùng với trữ lượng lớn (trên 03 tỷ tấn), chất lượng tốt; titan ở Vĩnh Linh, Gio Linh. Đặc biệt, các mỏ cát thạch anh ở vùng Nam - Bắc Cửa Việt và Hải Lăng với tổng trữ lượng đã xác định lên đến 277 triệu tấn, đây là nguyên liệu để sản xuất thuỷ tinh cao cấp, gốm sứ, làm phụ gia xây dựng và vật liệu xây dựng, cáp quang và màn hình tinh thể lỏng, sợi thủy tinh từ bột silicat, công nghiệp gốm sứ...

+ Theo định hướng phát triển công nghiệp khí Việt Nam (Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 16/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ), trong tương lai không xa, sẽ khai thác mỏ khí Báo Vàng thuộc địa phận Quảng Trị, xây dựng Hệ thống đường ống dẫn khí và nhà máy xử lý khí với quy mô 2-3 tỷ m3/năm.

- Khí hậu:

Quảng Trị nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có nền nhiệt độ cao, chế độ ánh sáng và mưa, ẩm dồi dào, tổng tích ôn cao... là những thuận lợi cơ bản cho phát triển các loại cây trồng nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, Quảng Trị được coi là vùng có khí hậu khá khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng thổi mạnh từ tháng 3 đến tháng 9 thường gây nên hạn hán. Từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kèm theo mưa nên dễ gây nên lũ lụt.

Nhiệt độ trung bình năm từ 240-250C ở vùng đồng bằng, 220-230C ở độ cao trên 500 m. Mùa lạnh có 3 tháng (12 và 1, 2  năm sau), nhiệt độ xuống thấp, tháng lạnh nhất nhiệt độ xuống dưới 220C ở đồng bằng, dưới 200C ở độ cao trên 500 m. Mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 8 nhiệt độ cao trung bình 280C, tháng nóng nhất từ tháng 6, 7, nhiệt độ tối cao có thể lên tới 400-420C. Biên độ nhiệt giữa các tháng trong năm chênh lệch 70-90C. Chế độ nhiệt trên địa bàn tỉnh thuận lợi cho phát triển thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp.

Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.200-2.500 mm; số ngày mưa trong năm dao động từ 154-190 ngày. Chế độ mưa ở Quảng Trị biến động rất mạnh theo các mùa và cả các năm. Trên 70% lượng mưa tập trung vào các tháng 9, 10, 11. Có năm lượng mưa trong 1 tháng mùa mưa chiếm xấp xỉ 65% lượng mưa trung bình nhiều năm. Mùa khô thường từ tháng 12 đến tháng 7 năm sau, khô nhất vào tháng 7, đây là thời kỳ có gió Tây Nam thịnh hành. Tính biến động của chế độ mưa ảnh hưởng nhiều tới sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, cũng như thi công các công trình xây dựng... Mùa mưa, lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn thường gây nên lũ lụt; mùa hè, thời gian mưa ít kéo dài thường gây nên thiếu nước, khô hạn.

Quảng Trị có độ ẩm tương đối, trung bình năm khoảng 83-88%. Giữa hai miền Đông và Tây Trường Sơn chế độ ẩm cũng phân hóa theo thời gian. Tháng có độ ẩm thấp nhất là tháng 4, độ ẩm thấp nhất có khi xuống đến 22%; trong những tháng mùa mưa, độ ẩm tương đối trung bình thường trên 85%, có khi lên đến 88-90%.

Quảng Trị có số giờ nắng khá cao, trung bình 5-6 giờ/ ngày, có sự phân hóa theo thời gian và không gian rõ rệt: miền Đông có tổng số giờ nắng lên tới 1.910 giờ, miền Tây chỉ đạt 1.840 giờ. Các tháng có số giờ nắng cao thường vào tháng 5, 6, 7, 8, đạt trên 200 giờ. Nắng nhiều là điều kiện rất thuận lợi cho quang hợp, tăng năng suất sinh học cây trồng. Tuy nhiên, nắng nhiều và kéo dài, nhiệt độ cao dẫn đến hạn hán ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống dân cư.

Tỉnh Quảng Trị chịu ảnh hưởng của hai hướng gió chính là gió mùa Tây Nam và gió mùa Đông Bắc. Đặc biệt gió Tây Nam khô nóng ở Quảng Trị là hiện tượng rất điển hình, được đánh giá là dữ dội nhất ở nước ta. Trung bình mỗi năm có khoảng 45 ngày. Trong các đợt gió Tây Nam khô nóng, nhiệt độ có thể lên tới 400 - 420C. Gió Tây Nam khô nóng làm ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.

Quảng Trị nằm trong khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của bão. Mùa bão thường tập trung vào các tháng 9 và 10. Bão có cường suất gió mạnh kèm theo mưa lớn tạo ra lũ quét ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư.

Nhìn chung điều kiện tự nhiên của Quảng Trị có những thuận lợi khá cơ bản, do sự phân hóa đa dạng của độ cao địa hình tạo nên các vùng tiểu khí hậu thích hợp cho sự phát triển một nền nông nghiệp đa dạng với các loại cây trồng vật nuôi có nguồn gốc nhiệt đới, á nhiệt và cận ôn đới, có giá trị kinh tế cao. Điều này mang lại lợi thế cạnh tranh trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Tiểu vùng khí hậu đỉnh Trường Sơn với tính ôn hoà là tài nguyên quý mang lại sức hấp dẫn cho sự phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch, tạo không gian mát mẻ cho tham quan, nghỉ dưỡng, đặc biệt là trong mùa hè nóng gay gắt của vùng Bắc Trung Bộ. Đây là điểm độc đáo của khí hậu Quảng Trị.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi cơ bản, điều kiện khí hậu, thời tiết của Quảng Trị cũng như ở các tỉnh miền Trung mang tính chất khắc nghiệt: thường xảy ra hạn hán về mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa. Do đó việc khắc phục thiên tai, xây dựng các công trình thuỷ lợi, trồng rừng đầu nguồn để giữ nước chống lũ lụt nhằm ổn định sản xuất và đời sống có ý nghĩa to lớn cần được quan tâm.

3. Cơ sở hạ tầng

- Sân bay:Cách không xa trung tâm thành phố Đông Hà về phía Bắc là sân bay Đồng Hới-Quảng Bình (khoảng 90km); về phía Nam là sân bay Phú Bài - thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế (khoảng 80 km) và sân bay quốc tế Đà Nẵng (khoảng 150 km).

- Cảng biển, cảng sông:

02 cảng:

+ Cửa Việt (khả năng đón tàu trọng tải đến 5.000 DWT)

+ Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy (đang được đầu tư để đón tàu tải trọng 100.000 DWT)

- Giao thông vận tải:

+ Đường bộ:Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh (gồm 02 nhánh Đông và Tây), Quốc lộ 9 gắn với đường xuyên Á, Quốc lộ 15D.

 

+ Đường sắt: Bắc-Nam.

Tỉnh Quang Tri
Vị trí Bắc Trung Bộ
Diện tích  4.739,8 km
Dân số 632.375 người
GRDP 1,2861 tỷ USD
Thu nhập 2.033 USD/người
Doanh nghiệp  7.187 doanh nghiệp
Vốn FDI  tỷ USD
Chỉ số PCI cấp tỉnh 63,84

Gửi liên hệ